50 ha thí điểm trồng lúa chất lượng cao cho năng suất hơn 0,4-0,5 tấn so với canh tác bình thường, giúp tăng lợi nhuận 1,3-6,2 triệu đồng mỗi ha.
Ngày 8/7, mô hình thí điểm canh tác 50 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) hoàn thành thu hoạch, sau hơn 3 tháng xuống giống. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích thí điểm sử dụng giống lúa OM 545, sạ bằng máy kết hợp vùi phân; tưới nước, bón phân theo vùng chuyên biệt; quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Rơm rạ sau thu hoạch được đưa khỏi đồng làm nấm hoặc phân bón hữu cơ.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc hợp tác xã Tiến Thuận, cho biết mô hình giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg xuống còn 60 kg mỗi ha, giảm số lần bón phân từ 3-4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch... Lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng mỗi kg so với canh tác bình thường.
Theo suốt quá trình thực hiện thí điểm, TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cho biết việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg mỗi ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn mỗi ha so với 5,8-6,1 tấn mỗi ha ở cách làm truyền thống.
"Về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận 1,3-6,2 triệu đồng mỗi ha. Còn về giảm phát thải khí nhà kính, mô hình thí điểm cho kết quả giảm từ 2-6 tấn CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương với CO2) mỗi ha so với ruộng đối chứng...", ông Hùng nói.
Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ vọng mô hình trồng lúa giảm phát thải lan tỏa ra khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp bà con nông dân có thu nhập và cuộc sống tốt hơn, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu...
Đề án Phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Chương trình nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam và thu nhập của nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.
Đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...
Theo đơn vị triển khai đề án, việc áp dụng bán tín chỉ carbon sẽ được áp dụng trong thời gian tới, sau khi hoàn tất các mô hình thí điểm liên tiếp ba vụ sản xuất lúa tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Hiện, mỗi năm các tỉnh miền Tây sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.
Nguồn: vietnambiz.vn