Giai đoạn chọn phân NPK nuôi trái là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng của nông sản. Trong giai đoạn này, cây trồng cần được cung cấp đủ các loại dinh dưỡng, đặc biệt là phân NPK, để có thể tập trung năng lượng vào việc nuôi trái. Không chỉ vậy, việc sử dụng phân bón NPK đúng cách cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề như rụng trái non, méo trái, sượng trái, nhỏ trái,... Vậy phải chọn phân NPK như thế nào để nuôi trái to, nặng ký, năng suất tối đa?
1. Vai trò của phân NPK trong giai đoạn nuôi trái
Phân đạm (N) giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây và tăng kích thước trái tối đa. Ngoài ra, phân đạm còn đảm bảo quá trình quang hợp hiệu quả, cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng để cây sung khỏe, giảm suy kiệt ở giai đoạn sau thu hoạch.
Phân lân (P) là yếu tố quyết định sự ra hoa, đậu quả, quá trình chín của quả và hạt, giúp quả to, hạt chắc.
Phân bón Kali (K) giúp gia tăng trọng lượng trái, màu sắc quả đẹp khi chín và kéo dài thời gian bảo quản. Dinh dưỡng Kali cũng làm tăng vận chuyển đường tổng hợp đường trong quả, làm ngọt quả.
2. Nguyên tắc và các loại phân NPK giai đoạn nuôi trái
Giai đoạn trái non (2 tuần sau khi đậu trái)
Mục đích: Hạn chế rụng trái non, phát triển trái.
Loại phân bón: NPK đạm và lân cao (NPK 16-16-8 hoặc NPK 20-20-15) hoặc NPK cân bằng (NPK 20-20-20+TE, NPK 19-19-19+TE).
Ví dụ: Giai đoạn 20-25 ngày sau khi đậu trái ở cây sầu riêng, có thể sử dụng NPK 20-20-20+TE kết hợp với phân ure với tỷ lệ 3:1 nếu cây ra nhiều trái. Liều lượng trung bình 1-1.5kg/cây tùy theo tuổi cây và số trái.
Giai đoạn trái lớn (chưa đạt kích thước tối đa)
Mục đích: Phát triển kích thước trái tối đa.
Loại phân bón: NPK cân bằng NPK 20-20-20+TE, NPK 19-19-19+TE.
Ví dụ: Giai đoạn 55-60 ngày sau khi đậu trái ở cây sầu riêng, bón gốc phân NPK 20-20-20+TE liều lượng 0.5-1kg/cây.
Giai đoạn trái đạt kích thước tối đa
Mục đích: Tăng trọng lượng và chất lượng trái (độ ngọt quả, màu sắc, thời gian bảo quản sau thu hoạch,...).
Loại phân bón: NPK Kali cao.
Ví dụ: Giai đoạn 75-80 ngày sau khi đậu trái ở cây sầu riêng, bón gốc phân NPK 13-5-35 với liều lượng 0.5-1 kg/cây.
Trường hợp đặc biệt: cây trồng cho trái chuyền (liên tục)
Mục đích: Cung cấp đủ dinh dưỡng để nuôi hoa, trái nhỏ, trái lớn.
Loại phân bón: NPK cân bằng.
Ổi: Có thể sử dụng NPK tỷ lệ 2-1-2 (Ví dụ NPK 16-8-16) hoặc NPK cân bằng (NPK 19-19-19, 20-20-20, 17-17-17,...) với liều lượng 100-200g/gốc/15-20 ngày 1 lần.
Dừa: NPK Kali cao (NPK 13-5-35) với liều lượng 2.5-3kg/gốc/năm, chia thành hai lần bón (đầu mùa mưa và cuối mùa mưa).
3. Phân bón NPK trong các vấn đề thường gặp trong giai đoạn nuôi trái
a. Rụng trái non
Rụng trái non là cơ chế tự nhiên của cây trồng, tuy nhiên nếu rụng trái quá nhiều sẽ làm giảm năng suất cây trồng. Nguyên nhân có thể do thời tiết, sâu bệnh hại và mất cân bằng dinh dưỡng.
Không nên bón phân NPK vào giai đoạn trái vừa đậu trái vì dễ gây sốc dinh dưỡng, gây rụng trái non. Thời gian phù hợp để cung cấp dinh dưỡng nuôi trái là từ 2-3 tuần sau khi đậu trái.
Để cây đủ dinh dưỡng nuôi trái non trong 2-3 tuần đầu khi chưa được bón phân, nhà nông nên cung cấp đủ dinh dưỡng ở giai đoạn ra hoa bằng cách sử dụng NPK cân bằng vừa giúp nuôi bông và trái non sau này.
Nếu cây không sung sức hoặc ra trái quá nhiều, dẫn đến thiếu dinh dưỡng làm cây không đủ sức nuôi toàn bộ trái, nhà nông có thể bổ sung thêm NPK cân bằng 20-20-20 với liều lượng 0.3-0.5kg/gốc tùy tình trạng.
Hiện tượng nhú đọt non ngay sau khi đậu trái do mưa nhiều hoặc thừa đạm cũng có thể làm trái bị rụng. Giải pháp là phun chặn đọt toàn bộ lá bằng sản phẩm MKP (NPK 0-52-34) hoặc NPK 0-37-48.
b. Méo trái
Mất cân đối dinh dưỡng, đặc biệt là thừa Kali và Canxi, dẫn đến ức chế hấp thu dinh dưỡng đạm cần cho sự phát triển kích thước trái, có thể gây ra hiện tượng méo trái.
Vì vậy, ở giai đoạn phát triển trái, nhà nông nên lựa chọn công thức NPK đạm lân cao hoặc NPK cân bằng. Công thức NPK Kali cao chỉ nên sử dụng khi trái đã đạt kích thước tối đa.
c. Sượng trái
Sượng trái là vấn đề thường gặp ở cây sầu riêng, cam, bưởi, hồng... làm giảm chất lượng và giá trị nông sản. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà nông sử dụng phân bón chứa Clo (Cl) trong giai đoạn nuôi trái.
Để đảm bảo chất lượng nông sản, nhà nông nên lựa chọn những sản phẩm NPK cao cấp, có nguồn nguyên liệu Kali từ Kali Sunfat (K2SO4) hoặc Kali Nitrat (KNO3) thay vì Kali Clorua (KCl).
d. Nứt trái
Hiện tượng nứt trái thường xuất hiện khi trái đã lớn, đặc biệt là ở quả cam, bưởi. Nguyên nhân có thể do bất lợi thời tiết, sâu bệnh và mất cân đối dinh dưỡng.
Khi cây bị thừa đạm làm ức chế sự hấp thu Canxi, phần thịt trái phát triển hơn phần vỏ trái, gây ra tình trạng nứt trái. Nhà nông nên sử dụng cân đối dinh dưỡng đa, trung vi lượng; hạn chế bón thừa đạm và bổ sung Canxi, Bo giai đoạn trái lớn.
e. Chai trái, nhỏ trái
Chai trái và nhỏ trái cũng là những vấn đề thường gặp, nguyên nhân chủ yếu do mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu Kali.
Để giải quyết tình trạng này, nhà nông nên bổ sung phân bón NPK Kali cao ở giai đoạn trái đạt kích thước tối đa. Bên cạnh đó, việc cân đối tỷ lệ các nguyên tố trong phân bón cũng rất quan trọng.
Lưu ý cần nhớ khi sử dụng phân NPK nuôi trái ở cây ăn quả
- Tùy từng loại cây trồng, giai đoạn sinh trưởng và yêu cầu về chất lượng nông sản mà lựa chọn loại phân NPK phù hợp.
- Liều lượng bón phân phải căn cứ vào tuổi cây, tình trạng sinh trưởng và năng suất cây trồng.
- Chia nhỏ lần bón, bón đều xung quanh gốc cây, tránh gây sốc dinh dưỡng.
- Kết hợp bón phân với các biện pháp kỹ thuật canh tác khác như tưới nước, phòng trừ sâu bệnh... để phát huy hiệu quả tối đa.
- Lựa chọn phân bón NPK chất lượng cao, không chứa các tạp chất như Natri, Clo... để đảm bảo an toàn cho cây trồng và sức khỏe người tiêu dùng.
Kết luận
Chọn phân NPK là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng nông sản, đặc biệt ở giai đoạn nuôi trái. Việc lựa chọn và sử dụng các loại phân nuôi trái phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng sẽ giúp cây phát triển tốt, sản xuất ra những trái to, nặng ký và chất lượng cao. Nhà nông cần nắm vững vai trò của từng nguyên tố trong NPK, biết cách bón phân hợp lý để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn nuôi trái như rụng trái non, méo trái, sượng trái... Với những kiến thức và kỹ năng đúng đắn, chọn phân NPK nuôi trái sẽ không còn là bài toán khó đối với các nhà nông.