Vì sao trái mít phải cắt đầu bôi vôi?

BM
Vì sao trái mít phải cắt đầu bôi vôi?

Việc trái mít bị cắt đầu là chuyện quá bình thường đối với thương lái và vựa, tuy nhiên đối với người dân mới trồng mít vẫn là câu chuyện lạ khó hiểu.

Theo đó, các thương lái khi vào vườn, sau khi đem trái mít xuống đất phải cắt đầu bôi vôi, rồi phân loại vận chuyển ra vựa.

"Sau khi cắt đầu, tùy vào bên trong mỗi trái tốt hay xấu, sẽ phân loại ra mít Nhất, mít Nhì, mít Ba, mít Kem lớn, mít Kem nhỏ hay mít chợ. Ví dụ như trái mít múi không lên màu, múi nhỏ sẽ bị đẩy xuống mít kem nhỏ, thậm chí là mít chợ", anh Nguyễn Văn Tâm, thương lái chuyên mua mít Thái ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết.

Anh Tâm còn cho biết, từ năm 2021 này, vựa mua mít khó hơn trước, đưa ra nhiều tiêu chuẩn. Để biết trái mít đó rơi vào loại gì, ngoài cân nặng, hình dáng bên ngoài, các vựa phải nhìn vào múi bên trong và không cách nào khác là phải cắt đầu trái mít.

"Để mua đúng loại mít, đúng giá, chúng tôi khi đến vườn để cắt đầu mít mới phân loại được. Nếu phân loại không đúng, ra vựa bán lại sẽ bị lỗ vốn" - anh Tâm chia sẻ.

Một chủ vựa mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thì cho biết, vài năm gần đây, mít xơ đen rất nhiều, việc cắt đầu trái mít sẽ giúp vựa loại bỏ ra những trái bị bệnh xơ đen này. Nếu không cắt đầu trái mít sẽ rất dễ mua nhầm trái mít bị xơ đen múi, lái cắt mít bị lỗ vốn, không bán đi được.

Riêng việc bôi vôi lên phần trái mít bị cắt, chủ vựa này thông tin là để nấm khuẩn, không khí không vào bên trong trái mít, làm múi mít mau hư. Việc bôi vôi vào đầu trái mít nhằm mục đích dễ vận chuyển mít Thái đi xa, hơn nữa đây là yêu cầu của đối tác.

Một số vựa giải thích thêm, việc trái mít bị cắt đầu bôi vôi là để đảm bảo công bằng cho người mua mít, bởi rất khó biết được bên trong trái như thế nào, có bị xơ đen không, múi lên màu nhiều hay ít, múi nhỏ hay lớn, sượng hay không sượng. Từ đó, mỗi trái mít được bán đi phải được cắt đầu bôi vôi, tránh không mua lầm hàng.

Nguồn: danviet.vn

 

Zalo
Hotline
Go Top