Thị trường cao su thế giới đang bị tác động bởi lo ngại nhu cầu yếu tại Trung Quốc. Giá cao su châu Á biến động không đồng nhất, xu hướng tăng diễn ra ở sàn Trung Quốc và Thái Lan, trong khi Nhật Bản lại suy giảm.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 12, giá cao su tại thị trường châu Á biến động trái chiều. Giá mặt hàng này giảm tại Nhật Bản, trong khi tăng tại Thượng Hải và Thái Lan.
Thị trường cao su thế giới đang bị tác động bởi lo ngại nhu cầu yếu tại Trung Quốc. Một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp một số trở ngại do nhu cầu bên ngoài yếu, thách thức trong lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương.
Tại sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), chốt phiên giao dịch ngày 18/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 231,6 yên/kg (tương đương 1,63 USD/kg), giảm 2% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 18/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.440 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,88 USD/ kg), nhích nhẹ so với 10 ngày trước đó và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 10/12, tổng tồn kho cao su tự nhiên tại khu ngoại quan và thương mại tổng hợp tại Thanh Đảo đạt 676.100 tấn, giảm 9.700 tấn so với kỳ trước. Trong đó, tồn kho tại khu ngoại quan là 112.500 tấn, tồn kho thương mại tổng hợp là 563.600 tấn.
Tại Thái Lan, ngày 18/12 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 58,43 baht/kg (tương đương 1,67 USD/kg), tăng 1% so với 10 ngày trước đó và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Việt Nam, giá mủ cao su nguyên liệu trong 10 ngày giữa tháng 12 không có nhiều biến động. Giá thu mua tại một số công ty giữ ổn định ở mức 270-312 đồng/TSC.
Trong tháng 11, bình quân giá cao su xuất khẩu đạt 1.372 USD/tấn, tăng 2% so với tháng 10 và đi ngang so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, bình quân giá cao su xuất khẩu đạt 1.342 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: vietnambiz.vn