8. Bệnh nấm rễ – lở cổ rễ cây bơ
Bệnh thường do chủng nấm Phytopthora – Pythium kết hợp với một số chủng nấm khác gây ra. Vị trí thường gặp là nơi cổ rễ, rễ dưới mặt đất, nơi mắt ghép (đối với các giống bơ ghép), đặc biệt với những cây trồng quá sâu rất dễ bị bệnh này.
Dấu hiệu của bệnh thường là cây kém phát triển, còi cọc, lá rụng nhiều, phần gốc sát với mặt đất bị nấm tấn công, vỏ chuyển màu, có chảy nhựa đen, rễ tơ không phát triển, rễ chính tổn tương
* Biện pháp phòng trừ:
Nên trồng cây giống cao hơn mặt đất xung quanh, tránh đọng nước khi tưới hoặc mưa kéo dài. Luôn thăm vườn để dọn sạch cỏ dại mọc gần gốc, cắt tỉa bớt cành sát đất, tạo độ thông thoáng cao để hạn chế nấm bệnh. Phun thuốc qua lá + quét gốc + đổ gốc bằng các thuốc trị nấm như Mancozeb, Metalaxyl, Dimethomorph, Cuprous Oxide… nhất là vào mùa mưa khi nấm bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Khi cây bị bệnh có thể dùng dao cạo bớt phần vỏ chỗ bị bệnh và quét thuốc để tăng hiệu quả. Mỗi lần xử lý thuốc nên thực hiện ít nhất 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Sau khi cây có dấu hiệu phục hồi thì bổ sung humic + phân hữu cơ + nấm đối kháng, tránh dùng phân hóa học ở giai đoạn này
9. Bệnh thối thân (nứt thân) xì mủ cây bơ
Tác nhân gây bệnh tương tự như bệnh nấm rễ, tuy nhiên phần bị bệnh thường là thân cây, cành lớn… nếu không xử lý sớm có thể làm cây bị hư toàn bộ hoặc một phần vỏ, sức sinh trưởng và đề kháng giảm hẳn. Có thể đi kèm với sâu đục thân, đục cành.
* Biện pháp xử lý:
Tương tự như nấm rễ, chú ý cạo bỏ sạch phần bệnh (vỏ ngoài), quét thuốc nấm đậm đặc lên vết bệnh. Nếu xử lý tốt thì phần cạo sẽ hình thành vỏ mới và liền vỏ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.
10. Bệnh héo cành khô cành cây bơ
Bệnh do chủng nấm Verticillium albo atrum gây ra, tấn công vào hệ thống mạch dẫn của cây, những phần bị ảnh hưởng sớm nhất là lá non, cành nhỏ, về lâu dài có thể lan rộng ra khắp vườn, làm chết cây, thậm chí cả những cây đã bước vào kinh doanh. Ban đầu cây chỉ có hiện tượng héo rũ vào giữa trưa, về sau héo hẳn một phần hoặc toàn bộ cây, lá không bị rụng hẳn mà khô dần trên cây
* Biện pháp phòng trừ:
Nên phòng là chủ yếu, vì khi bị nhiễm bệnh cây rất khó để phục hồi. Nên sử dụng các loại thuốc trị nấm bệnh dạng nano bạc, nano đồng, thuốc có tính lưu dẫn mạnh… Phun vào mùa mưa, độ ẩm cao nấm bệnh có điều kiện phát triển nhanh. Nếu phần khô là cành nhỏ hoặc một góc của cây, cần cưa – chặt bỏ và tiêu hủy, quét thuốc nấm lên vị trí cưa – chặt, đồng thời phun thuốc lên lá, đổ gốc để thuốc lan truyền và xử lý mầm bệnh trong mạch gỗ
11. Bệnh nấm lá, đốm lá, cháy bìa lá cây bơ
Có thể có nhiều dạng, nhưng chủ yếu là cháy mép lá, đốm trên lá sau đó lan rộng dần, có khi lây sang phần thân non và trái, làm cho trái rụng, cây khô héo…thường xuất hiện vào mùa mưa và có thể đi kèm theo những đợt sâu bọ tấn công. Một số chủng nấm gây ra bệnh trên lá cây bơ được kể đến là: Cercospora nicotianea (đốm mắt cua), Hemileia vastatrix B & Br (rỉ sắt), Rhizoctonia solani (cháy lá)…
Phần 2 Sâu bệnh hại trên cây bơ
Ngoài các biện pháp canh tác và bổ sung dinh dưỡng cân đối, cần phải chú ý xử lý sâu bọ côn trùng chích hút, nhất là những đợt cây ra đọt mới hoặc thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao… Phun phòng và trị bằng các thuốc trừ nấm lưu dẫn mạnh, phổ rộng, kết hợp với thuốc trị bệnh (vi khuẩn, virus). Nên thay đổi luân phiên giữa các hoạt chất tránh tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc…
12. Một số bệnh hại trên quả bơ
Bệnh về quả thường gặp là (rụng trái non, sẹo quả, đốm vỏ quả, thối quả già, nứt quả…) có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do côn trùng chích hút (ruồi vàng, bọ xít muỗi, rệp sáp, sâu ăn quả…) và nấm bệnh (phytopthora, solani,…) hoặc cả 2 nguyên nhân đồng thời. Nhẹ thì giảm giá trị thương phẩm, nặng hơn thì có thể giảm năng suất, mất mùa.
* Biện pháp phòng trừ:
Đối với các bệnh về quả, nên xử lý ngay từ khi còn là quả non, có thể phun phòng thuốc nấm, thuốc sâu 2-3 lần sau khi cây đậu quả (quả bằng đầu ngón tay trở lên). Sau đó sử dụng các loại bọc vải chuyên dụng để bọc quả, trong suốt quá trình cây nuôi quả vẫn duy trì việc phòng trừ trên các bộ phận khác của cây (rễ, thân, lá)
13. Một số bệnh do vi khuẩn virus trên cây bơ
Virus, vi khuẩn cũng là tác nhân gây ra các bệnh như đốm lá, xoăn ngọn, rụng trái, ghẻ quả… nhìn chung thường đi kèm và có dấu hiệu tương tự như các chủng nấm. Do đó bà con có thể sử dụng các loại thuốc có gốc đồng, gốc bạc để phòng trừ và xử lý (Agriphos dùng cho cây sầu riêng cũng rất tốt để phòng trừ nấm và vi khuẩn, ngoài ra còn có Aliette, Bordeaux (boóc-đô) cũng rất hiệu quả để phòng trừ)
14. Tổng kết sâu bệnh trên cây bơ
Như vậy chúng ta vừa cùng nhau điểm qua một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây bơ. Bài viết có thể chưa hoàn thiện nhưng hy vọng đã giúp bà con định hình được quy trình chăm sóc phù hợp. Hãy luôn nhớ nguyên tắc phòng hơn trị. Vì khi cây bị bệnh quá nặng điều trị sẽ luôn tốn kém mà hiệu quả thường thấp.
Đối với việc xử lý bằng thuốc (thuốc trừ sâu, thuốc nấm) nên ưu tiên những hoạt chất có tính lưu dẫn để cây khi hấp thu sẽ truyền đi khắp các bộ phận, giúp quá trình phòng và trị hiệu quả hơn. Có thể phối hợp giữa các thuốc nhưng phải tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông và cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật uy tín lâu năm. Vừa giúp gia tăng hiệu quả, tăng đối tượng phòng trừ, giảm nhân công lao động.